Lao động nghèo khó tiếp cận chính sách hỗ trợ để đi nước ngoài làm việc
Theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đối tượng được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bao gồm người lao động (NLĐ) có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, cư trú trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; ưu tiên NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Người lao động khó tiếp cận chính sách hỗ trợ khi đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Căn cứ Thông tư 55/2023/TT-BTC ngày 15-8-2023, đối tượng trên sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề; đào tạo ngoại ngữ; hỗ trợ tiền trang cấp đồ dùng cá nhân; tiền ăn, sinh hoạt phí, đi lại trong thời gian đào tạo.
Ngoài ra, NLĐ sẽ được hỗ trợ chi phí làm thủ tục đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm: Lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép xuất cảnh; Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp; Lệ phí làm thị thực (visa) theo mức quy định hiện hành của nước tiếp nhận lao động; Chi phí khám sức khỏe…
Việc hỗ trợ đào tạo, bổ túc kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho NLĐ được thực hiện thông qua cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ với các cơ sở đào tạo nghề, ngoại ngữ hoặc doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Trường hợp không đủ điều kiện hoặc không lựa chọn được đơn vị thực hiện dịch vụ hoặc NLĐ đã hoàn thành khóa học từ trước đó thì thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ khi đủ điều kiện xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài trên cơ sở các hóa đơn, chứng từ thực tế.
Tuy nhiên, theo cử tri tỉnh Thanh Hóa, NLĐ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận chính sách hỗ trợ này. Nguyên nhân do NLĐ không thể cung cấp được đầy đủ hóa đơn hoặc biên lai thu tiền đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực, lý lịch tư pháp và các tài liệu liên quan chứng minh NLĐ thuộc đối tượng được hỗ trợ để được thanh toán theo quy định.
Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho hay qua giám sát thực hiện chính sách nêu trên, bộ đã tiếp nhận một số ý kiến của địa phương chia sẻ khó khăn khi triển khai hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trong việc thanh toán dựa trên cơ sở hoá đơn hoặc biên lai thu tiền.
Trong quá trình dự thảo Thông tư số 55/2023/TT-BTC, Bộ LĐ-TB-XH đã xây dựng phương án hỗ trợ "khoán" theo thị trường, công việc. Tuy nhiên, chưa được Bộ Tài chính tiếp thu đồng ý.
Thời gian tới, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tiếp tục có ý kiến với Bộ Tài chính để sửa đổi những bất cập, khó khăn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia.
(Theo NLĐ)
Tin tức liên quan
- Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động thu nhập cao
- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp Đại sứ Nhật Bản
- 11.231 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 07 năm 2024
- TUYỂN DỤNG NV PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG NHẬT BẢN
- Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan tiếp Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam
- Hàn Quốc thực hiện chính sách ân hạn đối với người lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp về nước
- Việt Nam tiếp tục mở rộng hợp tác lao động với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore
- Kỷ lục mới, 10 tháng đưa 130.000 lao động ra nước ngoài làm việc
- Lao động đi Nhật sẽ được chủ sử dụng lao động chia sẻ phí xuất cảnh
- Cảnh báo khẩn cho những người đi xuất khẩu lao động